Hiện nay đa số người dân Việt Nam ưa chuộng thịt bò nhập khẩu của các nước như Mỹ, Úc, New Zealand… nên nhu cầu nhập khẩu thịt bò tăng cao. Vậy quy trình làm thủ tục nhập khẩu thịt bò như thế nào? Đó là câu hỏi của rất nhiều người. Luật sư Đình Tiệp sẽ làm rõ chi tiết thủ tục nhập khẩu và các bước thông quan nhập khẩu sản phẩm động vật, bao gồm thịt bò đông lạnh, thịt bò sống.
1. Thủ tục nhập khẩu và các bước thông quan nhập khẩu thịt bò đông lạnh, thịt bò sống.
Bước 1: Kiểm tra Nhà sản xuất có đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm thịt bò đông lạnh, thịt bò sống vào Việt Nam không
Việc đầu tiên, đơn giản nhưng quan trọng, đó là tìm hiểu xem Công ty sản xuất thịt phía nước ngoài đã được phép xuất khẩu sản phẩm của họ vào Việt Nam hay chưa.
Bạn có thể tra cứu trong website của Cục chăn nuôi. Trong đó, có danh sách các doanh nghiệp của các quốc gia đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam. Vào thời điểm tháng 02/2024, có tất cả 26 nước có doanh nghiệp đủ điều kiện này.
(Danh sách xem tại Trang thông tin điện tử của Cục thú y: https://cucthuy.gov.vn/danh-sach-cac-doanh-nghiep-cua-22-nuoc-du-dieu-kien-xuat-khau-thuc-pham-co-nguon-goc-dong-vat-tren-can-vao-viet-nam)
Việc tra cứu này rất quan trọng. Vì nếu bên người bán nước ngoài không có tên trong danh sách, nghĩa là không thể nhập hàng vào Việt Nam. Và bạn cần tìm người bán hàng khác đủ điều kiện, hoặc phải làm thủ tục để xin bổ sung vào danh sách nêu trên.
Bước 2. Đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu với Cục thú y
(Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016)
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thịt bò nhập khẩu bao gồm
(Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016)
- Văn bản đề nghị hướng dẫn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu của tổ chức, cá nhân (theo Mẫu 19 Phụ lục V Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT)
- Đối với sản phẩm động vật thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định. (nằm trong danh sách động vật quý hiếm) (Health Certificate)
- Đối sản phẩm động vật nhập khẩu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y
- Kho phải được cục kiểm dịch xác nhận là đạt chuẩn.
Trước khi nhập khẩu sản phẩm động vật, chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch tới Cục Thú y theo một trong các hình thức: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp.
Để đăng ký qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, truy cập trang web của Cục Thú Y và tìm kiếm mục “Đăng ký kiểm dịch thú y trực tuyến”. Cần phải điền đầy đủ thông tin về sản phẩm được nhập khẩu, bao gồm nguồn gốc, số lượng, giá trị và nơi sản xuất.
(Link đăng ký: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=1.003264)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, căn cứ tình hình dịch bệnh, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, giám sát vệ sinh thú y của nước xuất khẩu, Cục Thú y có văn bản đồng ý kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu và hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu; trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp động vật, sản phẩm động vật từ quốc gia, vùng lãnh thổ lần đầu tiên đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam hoặc từ quốc gia, vùng lãnh thổ có nguy cơ cao về dịch bệnh động vật phải được Cục Thú y tiến hành phân tích nguy cơ theo quy định tại Điều 43 của Luật này.
Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu – Cục Thú y thực hiện kiểm dịch như sau:
a) Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch, thực trạng hàng hóa, nếu đạt yêu cầu thì lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định;
b) Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi đến;
c) Hướng dẫn chủ hàng thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.
Trường hợp động vật, sản phẩm động vật không đạt yêu cầu thì lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước 3. Khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu và Lấy mẫu kiểm dịch
Sau khi Cục Thú y có văn bản đồng ý và hướng dẫn kiểm dịch, trước khi hàng đến cửa khẩu nhập, chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ khai báo kiểm dịch tới cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu theo một trong các hình thức: qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc gửi trực tiếp;
Hồ sơ khai báo kiểm dịch bao gồm:
- Đơn khai báo kiểm dịch (Mẫu 3 Phụ lục V Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT)
- Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.
- Hóa đơn thương mại
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác
- Giấy chứng nhận kho chủ hàng đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Bước 4: Làm thủ tục hải quan và lấy mẫu kiểm dịch
– Hồ sơ hải quan nhập khẩu thịt bò gồm: (Khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015)
- Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015
- Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp;
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
- Giấy đăng ký kiểm dịch
- Giấy phép nhập khẩu do CITES cấp
- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
(Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O): Chứng nhận này do cơ quan chức năng của quốc gia xuất xứ cấp và xác nhận xuất xứ của thịt bò)
2. Các điểm lưu ý khi thực hiện thủ tục nhập khẩu thịt bò đông lạnh,thịt bò sống
Trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu thịt bò đông lạnh,thịt bò sống đơn vị cần lưu ý một số điểm sau đây để đảm bảo thủ tục hải quan được thực hiện đúng quy định:
- Thời gian giữa lúc thịt bò được kiểm dịch và thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam không quá 15 ngày.
- Thịt bò phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn vệ sinh thú y.
- Đối với thịt bò nhập khẩu từ các nước có dịch bệnh động vật, cần phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng ở quốc gia xuất khẩu về việc thịt bò không bị nhiễm bệnh.
- Đối với thịt bò nhập khẩu từ các nước không có đại diện ngoại giao tại Việt Nam, cần phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng tại địa phương nhập khẩu về việc thịt bò đã được kiểm dịch và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y.
- Thủ tục hải quan nhập khẩu thịt bò đông lạnh chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu chính.
Trên đây là các thông tin về quy trình làm thủ tục hải quan nhập khẩu thịt bò, cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu thịt bò cần chuẩn bị. Các đơn vị nhập khẩu nên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để đảm bảo quá trình nhập khẩu diễn ra thành công và an toàn.
Nếu quy trình xin giấy giấy phép nêu trên khó hiểu hoặc phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức, thì Quý khách hàng có thể tìm hiểu dịch vụ xin giấy phép của bên thứ 3 để hỗ trợ thủ tục đăng ký nhanh nhất với chi phí phù hợp. Luật sư Đình Tiệp và Cộng sự sẵn sàng hỗ trợ thực hiện:
Luật sư Đình Tiệp và Cộng sự
Địa chỉ: Số 2/42 phố Bằng B, Hoàng Mai, Hà Nội
Số điện thoại: 094 173 9928
Email: luatsudinhtiep@gmail.com
Website: luatsudinhtiep.com
Lưu ý: Các nội dung tư vấn hoặc văn bản pháp luật được trích dẫn trên có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm Quý khách hàng tham khảo bài viết. Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác.