Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội ‘Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’.
Theo Nghị quyết, TAND Tối cao giải thích, “cho vay nặng lãi” là trường hợp bên cho vay cho bên vay, vay tiền với mức lãi suất cao gấp 5 lần trở lên với mức lãi suất cao nhất, quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự (mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm; nếu thỏa thuận không rõ sẽ là 10%/năm).
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải tiền), cơ quan chức năng khi giải quyết phải quy đổi tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản cho vay.
Còn tại Điều 7 Nghị quyết quy định, truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp như sau:
Nếu người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30 triệu đồng trở lên, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Hay người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ như: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản”, thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Còn người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được.
Cũng theo Nghị quyết này, người vay nặng lãi sẽ được tòa án triệu tập với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, không phải bị hại. Họ chỉ được trả lại phần tiền người cho vay đã thu lợi bất chính; các khoản khác gồm tiền gốc và lãi cao nhất theo luật (bằng 20%/năm) được sung công.
Theo Baomoi.com
—————–
Luật sư Đinh Tiệp & Partner: 094 173 9928 – luatsudinhtiep@gmail.com